NGHỊ LUẬN VĂN HỌC | LIÊN HỆ MỞ RỘNG “LÀNG” – KIM LÂN

Ngày 08/04/2021 15:18:33, lượt xem: 38242

Tuyển tập một số liên hệ mở rộng đối với tác phẩm “Làng” của nhà văn Kim Lân.

 

1. Truyện ngắn này không phải viết về đời sống nơi tản cư mà viết về tình cảm của con người với làng xóm, quê hương. Truyện viết về chính những người dân làng tôi. Hồi ấy gia đình tôi cũng đi sơ tán, trên khu ở mới, có tin đồn làng tôi là làng Việt gian. Mọi người đều nhìn những người dân làng với con mắt chế giễu, khinh thường. Tôi yêu ngôi làng của tôi và không tin dân làng tôi có thể đi theo giặc Pháp. Tôi viết truyện ngắn “Làng” như thể để khẳng định niềm tin của mình và minh oan cho làng tôi.

(Tác giả nói về tác phẩm)

 

2. Có thể nói linh hồn của truyện ngắn “Làng” là nhân vật ông Hai. Kim Lân đã đưa vào văn học một bức chân dung sống động, đẹp một vẻ riêng về người nông dân Việt Nam những ngày đầu kháng chiến, những con người bình thường và những điều tốt đẹp của họ - lòng yêu làng, yêu nước – được khơi dậy và hoàn thiện để ngày càng đẹp đẽ.

(Trích Bích Ba, Bình giảng văn 9)

 

3. Cái làng đối với người nông dân – đặc biệt là ở vùng Bắc Bộ - có một ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống vật chất và tinh thần của họ. Nó gắn bó thân thiết với họ hàng ngày và suốt cả cuộc đời, cả đến khi giã từ cuộc đời. Vì thế, từ bao lâu nay, lòng yêu làng quê đã trở thành một tình cảm tự nhiên, sâu nặng, hơn nữa đã thấm sâu vào tâm thức, tâm linh của người dân quê. Làng là nơi tổ tiên, ông bà từng sinh sống, là môi trường sinh hoạt, là cộng đồng gắn kết trong phong tục, tập quán, quy ước, truyền từ đời này sang đời khác.

(Nguyễn Văn Long, Cảm thụ và phân tích tác phẩm văn học lớp 9)

 

4. Tình cảm yêu làng, yêu nước là một tình cảm tự nhiên, nhưng trong truyện ngắn “Làng” thì tình cảm đó dường như đã trở thành một chuẩn mực đạo đức để đối nhân xử thế, có thể coi đây là sự trưởng thành về ý thức của người nông dân như ông Hai,  bà chủ nhà, “người đàn bà cho con bú”,… Họ có thể ít chữ nghĩa nhưng lại có một sự mách bảo cực kì bén nhạy của tình cảm và lương tâm. Từ khía cạnh này mà xét thì truyện ngắn “Làng” của Kim Lân không chỉ là một tác phẩm văn học đơn thuần, mà còn có dáng dấp của một tuyên ngôn chính luận, rằng: Có thể chấp nhận mất tất cả, hi sinh tất cả (nhà ông Hai bị “đốt nhẵn”), nhưng không thể để mất nước, mất tự do!

(Hoàng Dân,VH&TT số 4+5 năm 2015)

 

 

 

Nếu em muốn đọc thêm những trang sách hay, đừng ngần ngại đăng ký ngay TUYỂN TẬP 50 BÀI VĂN MẪU LỚP 9 và KHÓA C.O.D.E 9 luyện viết chuyên sâu nghị luận văn học nhé!

 

Đăng ký khóa học, đặt sách và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
Facebook Học Văn Chị Hiên THCS.

Youtube Học Văn Chị Hiên.
Instagram Học Văn Chị Hiên.
Tiktok Học Văn Chị Hiên.

Tin liên quan